Giới thiệu Phần mềm Phân lớp và đo cao độ khoảng cách điểm trên trắc ngang

4.9/5 - (44 bình chọn)

Đo cao độ khoảng cách điểm trên trắc ngang là gì? Phân lớp đắp là gì? Tại sao phải dùng phần mềm thay vì sử dụng lisp đo cao độ, khoảng cách trên trắc ngang và lisp chia lớp đất đắp? Mục này sẽ giải đáp các câu hỏi trên.

1. Bài toán phân lớp đắp và bài toán đo cao độ, khoảng cách điểm trên trắc ngang.

Trong hồ sơ quản lý chất lượng (hồ sơ hoàn công) công trình giao thông. Việc tính toán và lập bản vẽ của các lớp đắp là một yêu cầu gần như bắt buộc đối với tất cả các dự án (công trình) giao thông. Mục đích chính của việc tính toán phân lớp đắp là đưa ra các thông số của lớp đắp như:

  • Khối lượng và bề rộng lớp đắp để đưa vào “phụ lục khối lượng”.
  • Cao độ, khoảng cách tới tim của điểm kiểm tra trên trắc ngang để đưa vào “phụ lục cao độ và khoảng cách” (hay “phụ lục kiểm tra kích thước hình học”).
  • Khối lượng chi tiết từng lớp để tính tần suất lấy mẫu và ngày tháng thi công.
  • Thông tin về lỗ đục độ chặt và đo độ bằng phẳng.
  • Một số dự án còn yêu cầu xuất cả đường bao lớp đắp để tiện kiểm tra.

Ngoài bài toán phân lớp đắp, trong quá trình thi công đường ta còn gặp một số bài toán cần tính toán cao độ, khoảng cách điểm trên trắc ngang như:

  • Đường đen, đường đào KTH (đào cấp, vét hữu cơ).
  • Hoàn thiện các hạng mục (đỉnh K95, K98, kết cấu áo đường, mặt đường hoàn thiện).
  • Đo khối lượng đào; đo chiều dài mái, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn…

2. Những yêu cầu trong giải quyết bài toán

Để giải quyết bài toán phân lớp đắp và đo cao độ, khoảng cách điểm trên trắc ngang ta cần chuẩn bị những thành phần sau:

2.1. Những yêu cầu phải có

  • Bản vẽ trắc ngang – File mềm (chạy trên Autocad – File có đuôi mở rộng dwg). Việc có được bản vẽ cuối cùng có vẻ hiển nhiên đối với các dự án nhỏ nhưng đối với các dự án lớn, thời gian thi công dài, việc chỉnh sửa bản vẽ trong quá trình thi công là tương đối phổ biến. Chính vì việc thay đổi bản vẽ thi công nên hồ sơ của các dự án này cũng vì thế mà thay đổi theo (không riêng gì mảng hoàn công)
  • Chỉ dẫn kỹ thuật của dự án (hoặc tiêu chuẩn áp dụng). Đây là một yêu cầu phải có, ngoài đọc để hiểu biện pháp thi công thì chỉ dẫn kỹ thuật cho ta biết chiều dày đắp tối đa, tối thiểu, các chỉ tiêu kỹ thuật của vật liệu đất đắp, tần suất lỗ đục độ chặt, tần suất lấy mẫu vật liệu đắp, các sai số cho phép, mức độ và loại đo độ bằng phẳng… (các con số này khác nhau tùy dự án).
  • Hợp đồng xây dựng, dự toán, đơn giá dự thầu. Với việc đơn giá tổng hợp ngày càng được sử dụng nhiều, phải xem để tránh thi công và nghiệm thu thiếu đầu việc hoặc sai biện pháp thi công.
  • Các văn bản thay đổi đã được chủ đầu tư phê duyệt. Luôn xem xét để cập nhật vào hồ sơ thi công và nghiệm thu công trình.

2.2. Những yêu cầu bổ sung

  • Ý kiến của các đơn vị quản lý (chủ đầu tư, tư vấn giám sát…). Các ý kiến này đôi khi có tính chất chủ quan nhưng rất quan trọng. Rất nhiều trường hợp phải làm lại cả bộ hồ sơ phân lớp chỉ vì tư vấn giám sát muốn thay đổi chiều dày đất đắp từ 20 lên 25cm.
  • Số lượng, thông số kỹ thuật, năng lực làm việc của máy móc. Điều này giúp ta có thể tính toán khối lượng thi công vật liệu đào, đắp/ca. Tránh thừa, thiếu vật liệu hoặc vật liệu không đạt độ chặt yêu cầu, thi công khống khối lượng…
  • Căn cứ vào thực tế thi công tại công trường. Thời gian, thời tiết, ngày nghỉ, các điều kiện bất khả kháng khi thi công, nghiệm thu cũng cần đưa vào để tính toán.
  • Ngoài những yếu tố trên thì luôn nhớ hạng mục cần thi công, hoàn công là bộ phận không thể tách rời khỏi công trình. Ta không thể chỉ thi công và hoàn công mỗi hạng mục đắp đất mà quên đi các hạng mục khác vẫn đang thi công song song thậm chí điều này là bắt buộc. Ví dụ: Đào nền đường thường kết hợp vận chuyển điều phối dọc và đắp đất ở vị trí khác.

3. Cách giải quyết bài toán hoàn công phân lớp đắp và đo cao độ khoảng cách điểm trên trắc ngang (sau này sẽ gọi là Pick cắt ngang)

Mục này sẽ nói rõ hơn các yêu cầu ở mục 1. Ta cần ít nhất 2 nội dung kiểm tra đối với bài toán phân lớp đắp và pick cắt ngang. Nhiệm vụ và cách tính toán có thể đơn giản hơn nhưng vẫn phải đảm bảo 2 yêu cầu.

3.1. Tạo ra bản vẽ Autocad

Bản vẽ này tạo ra hình ảnh phân lớp (hoặc điểm pick cắt ngang) trên trắc ngang đường. Bản vẽ này phải thể hiện được

  • Đường phân tách giữa các lớp đối với phân lớp và đường nối các điểm với pick cắt ngang (nếu cần)
  • Điểm mia kiểm tra (điểm kiểm tra đỉnh lớp đắp và các điểm kiểm tra pick cắt ngang).
  • Số thứ tự của lớp đối với phân lớp và số thứ tự của điểm đối với pick cắt ngang
  • Bảng kiểm tra (nếu yêu cầu). Bảng này tổng hợp các nội dung đề cập phía trên. Ngoài ra còn có thể có các nội dung bổ sung như: Diện tích, bề rộng, chiều dài phân lớp…
  • Đường bao lớp đắp (nếu yêu cầu)
  • Nội dung (text hoặc block) ghi tổng khối lượng đắp bên trái và bên phải (với phân lớp đắp) hoặc chiều dài, diện tích kết cấu với pick cắt ngang

3.2. Tạo ra bảng tính Excel.

Có 2 loại bảng tính (tối thiểu) mà ta cần có để phục vụ quá trình kiểm tra.

  • Bảng tính cao độ, khoảng cách các điểm đỉnh từng lớp (hoặc điểm mia kiểm tra đối với pick cắt ngang). Bảng này bắt buộc phải có đối với hồ sơ hoàn công. Nguyên tắc rất đơn giản, căn cứ vào cao độ thiết kế (hoặc cao độ tự nhiên) và vị trí điểm tim thiết kế trên bản vẽ ta tiến hành đo (và tính toán) được 2 trị số là cao độ và khoảng cách của từng điểm mia trên trắc ngang. Công việc này được làm trên bản vẽ (cứng hoặc mềm), kết quả trích xuất sang Excel.
  • Bảng tính khối lượng từng lớp (hoặc hạng mục đối với pick cắt ngang). Tùy vào dự án (công trình) mà đơn vị quản lý có yêu cầu bảng này hay không. Nguyên tắc dựa vào đường bao để tính diện tích. Cách tính không đơn giản như bảng cao độ khoảng cách. Khá khó khăn nếu tính diện tích trên bản vẽ cứng, thông thường ta tạo đường bao sau đó dùng lệnh LIST trong Autocad để lấy diện tích. Cách khác là sử dụng một số công cụ (phổ biến nhất là LISP đo diện tích) để lấy được thông số này. Kết quả cũng được trích xuất sang Excel.

3.3. Các bảng bổ sung cho tính toán

  • Bảng tổng hợp khối lượng thi công từng lớp và bảng tổng hợp khối lượng thi công theo mặt cắt ngang. Bảng này giúp ta soát khối lượng giữa Hợp đồng – Bản vẽ – Thi công – Nghiệm thu.
  • Bảng kiểm tra diện tích lớp. Thông thường ta sử dụng Autocad để tạo ra đường bao và lấy diện tích. Cách làm này cho ra con số diện tích không tường minh, dễ sai sót. Ở một số dự án, con số này không được chấp nhận, vì vậy việc tạo ra một bảng tính toàn bộ diện tích các lớp đắp là cần thiết. Nghe có vẻ dễ dàng nhưng việc tạo ra bảng tính này bằng thủ công, với số lượng mặt cắt ngang và lớp đắp lớn là công việc mất rất nhiều thời gian và thao tác.
  • Bảng kiểm tra diện tích hạng mục. Cũng giống như bảng kiểm tra diện tích lớp bên trên nhưng áp dụng cho pick cắt ngang.
  • Bảng đo chiều dài và bề rộng 2 phía của hạng mục. Bảng này phục vụ cho các công tác khác như giải phóng mặt bằng, phát quang dọn dẹp…

3.4. Các bảng bổ sung cho kiểm tra

  • Bảng tính toán độ chặt phân lớp đắp. Cách tính số lỗ và điểm đục độ chặt khá phức tạp. Điểm đục độ chặt yêu cầu phải nằm trên diện tích đắp. Vị trí đục nên lấy ngẫu nhiên để đảm bảo tính khách quan. Số lỗ độ chặt/số m2 đắp yêu cầu khác nhau tùy dự án.
  • Bảng đo độ bằng phẳng: Thông thường bảng này áp dụng với các kết cấu mặt đường. Nhưng với các dự án lớn thì bảng này cũng dần áp dụng với nền, móng đường. Mức độ bằng phẳng yêu cầu cho từng loại vật liệu cũng khác nhau tùy dự án.
  • Bảng tính toán vật liệu tần suất. Nguyên tắc lấy mẫu tần suất: Cứ sau N(m3) vật liệu thi công, ta phải thí nghiệm lại toàn bộ chỉ tiêu cơ lý của chúng. Số N khác nhau tùy yêu cầu của từng dự án.
  • Bảng tính toán ngày tháng thi công. Nguyên tắc tính toán: Dựa vào khối lượng thi công, hao phí và số lượng máy huy động được. Những thông số trên sẽ giúp ta tính toán được số ngày thi công tối thiểu làm căn cứ xuất biên bản nghiệm thu và lấy mẫu tần suất đã trình bày ở trên.
  • Lưu ý các bảng trên được xác định dựa vào tính toán. Ví dụ: Số lỗ độ chặt, tần suất lấy mẫu vật liệu, đo độ bằng phẳng ta có thể tra trong chỉ dẫn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn thi công nghiệm thu hiện hành. Nghiêm cấm việc “áng chừng” hoặc “khoảng khoảng” không kiểm soát được tính toán, gây hậu quả nghiêm trọng. Có thể tham khảo chỉ dẫn kỹ thuật của dự án hoặc tham khảo các tiêu chuẩn sau:

Các tiêu chuẩn tham khảo

  • TCVN 9436 : 2012: NỀN ĐƯỜNG Ô TÔ – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
  • TCVN 4447 : 2012: CÔNG TÁC ĐẤT – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
  • TCVN 8859 : 2011: LỚP MÓNG CẤP PHỐI ĐÁ DĂM TRONG KẾT CẤU ÁO ĐƯỜNG Ô TÔ VẬT LIỆU, THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
  • TCVN 8864 : 2011: MẶT ĐƯỜNG Ô TÔ-XÁC ĐỊNH ĐỘ BẰNG PHẲNG BẰNG THƯỚC DÀI 3,0 MÉT
  • TCVN 8863 : 2011: MẶT ĐƯỜNG LÁNG NHỰA NÓNG – THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU
  • TCVN 8819 : 2011: MẶT ĐƯỜNG BÊ TÔNG NHỰA NÓNG- YÊU CẦU THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU

3.5. Yêu cầu chung cho việc tính toán trên bản vẽ Autocad và bảng tính Excel

  • Số liệu phải chính xác. Với bất kỳ sai sót nào trong việc tính toán thì toàn bộ quá trình tính toán và thậm chí cả bộ hồ sơ sẽ bị loại bỏ.
  • Số liệu tính toán trên Autocad và Excel phải thống nhất, tránh tình trạng Autocad tính một đằng, Excel xuất một ngả.
  • Số liệu phải được lưu trữ và chỉnh sửa được. Mỗi lần chỉnh sửa không làm thay đổi tính thống nhất đã nêu ở bước trước.

4. Tại sao phải sử dụng phần mềm phân lớp và đo cao độ khoảng cách điểm trên trắc ngang?

4.1. Trở ngại đầu tiên

Có thể thấy trở ngại lớn nhất khi giải bài toán phân lớp đắp và pick cắt ngang là khối lượng tính toán rất lớn, số lượng thao tác nhiều, nhiều thông số ảnh hưởng và thay đổi trong quá trình thực hiện.

  • Số lượng thao tác sử dụng trong Autocad rất lớn nên rất nhàm chán, dễ sai sót. Việc Copy và Paste từ phần mềm Autocad sang phần mềm Excel cũng vậy.
  • Việc tính toán khối lượng không chính xác khi số lượng phép tính lớn. Ví dụ bài toán phân lớp đắp K95. Chúng ta có thể hiệu chỉnh con số này bằng thủ công trong Excel hoặc (và) Autocad. Nhưng sẽ mất thêm thời gian chỉnh sửa và trong một số trường hợp thậm chí còn không được chấp nhận.

4.2. Các nguyên nhân khác phải sử dụng phần mềm phân lớp và đo cao độ khoảng cách điểm trên trắc ngang (hay còn gọi là pick trắc ngang)

  • Độ phức tạp của các bài toán phụ thuộc vào độ phức tạp của đường bao tính toán (với đào đắp). Số lượng điểm cần xử lý cũng là một vấn đề đối với các bài toán pick cắt ngang.
  • Nếu đường bao tách rời hoặc có lỗ thủng thì công việc khó khăn hơn và dễ nhầm lẫn hơn.
  • Có rất nhiều loại kết cấu cần tính toán. Gia cố nền đất yếu, đắp đất nền đường K95, nền đường K98, nền đường đắp bao. Ngoài ra móng đường cấp phối đá dăm, móng đường đá dăm nước (ĐDTC), mặt đường BTXM, mặt đường BTN… Thậm chí chúng còn được phân lớp cùng nhau trên một bản vẽ.
  • Các bài toán pick cắt ngang cũng muôn hình vạn dạng, rắc rối không kém gì bài toán phân lớp. Điển hình là bài toán đo cao độ, khoảng cách trên trắc ngang (đường đen, đường đỏ, đào cấp, vét hữu cơ…). Đo khối lượng đào (đất C2, đất C3, đất C4, đá C4, đá C3…), đo chiều dài mái…
  • Nếu có thay đổi trong cách tính toán thì việc sử dụng lại kết quả tính toán cũ là bất khả thi. Các dữ liệu tính toán sẽ không được chấp nhận và khả năng sử dụng lại chúng bằng 0 (nếu không sử dụng phần mềm). Sai quy trình thi công và nghiệm thu trong đề cương tư vấn giám sát, tiêu chuẩn thi công – nghiệm thu của dự án. Hoặc cũng có thể do ý kiến chủ quan của cá nhân người quản lý… là các nguyên nhân phổ biến.
  • Và còn nhiều nguyên nhân nữa tùy theo yêu cầu và độ phức tạp trong từng dự án.

5. Cách giải quyết bài toán phân lớp đắp và bài toán pick cắt ngang sử dụng phần mềm – Giới thiệu phần mềm

  • Xem một số chức năng chính của phần mềm phân lớp đắp và pick cắt ngang Tại đây:
  • Xem hướng dẫn sử dụng phần mềm Tại đây.
  • Xem trực quan tính năng chính của phần mềm Tại đây.
Chia sẻ
Để lại câu hỏi