fbpx

Đăng ký kết cấu phân lớp đất đắp

5/5 - (3 bình chọn)

Kết cấu phân lớp dùng để giải quyết bài toán phân lớp đất đắp. Như sẽ trình bày ở phần sau, để đăng ký được 1 kết cấu phân lớp ta phải chọn rất nhiều dữ liệu đầu vào cho bài toán này. Cụ thể ta sẽ phải làm lần lượt các bước từ 1. đến 3.. Trong những bài hướng dẫn sau ta có thể cải thiện một trong những nút thắt bằng cách đăng ký nhanh hay tạo đường bao nhanh nhưng hãy bắt đầu từ cơ bản nhất.

Bài hướng dẫn này nằm trong Seri hướng dẫn sử dụng phần mềm phân lớp đắp và đo cao độ khoảng cách trắc ngang.

phan-lop-dat-dap
Hình minh họa các bước đăng ký kết cấu phân lớp đắp thông thường

Video hướng dẫn Đăng ký kết cấu phân lớp đắp

Các bước đăng ký kết cấu phân lớp đắp

  1. Chọn thông số MCN, loại đăng ký và kết cấu
  2. Tự chọn đăng ký kết cấu phân lớp
  3. Chọn thông số riêng phân lớp
  4. Chọn đường bao phân lớp
  5. Đăng ký kết cấu phân lớp
  6. Sửa đăng ký kết cấu phân lớp
  7. Xóa đăng ký kết cấu phân lớp

1. Chọn thông số MCN, loại đăng ký và kết cấu – Hướng dẫn phân lớp đất đắp, đo cao độ, khoảng cách trắc ngang

Trong Tab “đăng ký”

Sử dụng phím điều hướng để di chuyển thông số MCN đến MCN cần đăng ký. Lưu ý nếu không di chuyển hoặc không di chuyển đến đúng cọc được đăng ký thì dù có nhập các thông tin trong các mục sau thì dữ liệu đăng ký kết cấu phân lớp cũng sai hoặc thậm chí báo lỗi không đăng ký được.

Chọn loại đăng ký là PLD và chọn loại kết cấu là một trong những kết cấu phân lớp đất đắp cần đăng ký.

2. Tự chọn đăng ký kết cấu phân lớp – Hướng dẫn phân lớp đất đắp, đo cao độ, khoảng cách trắc ngang

Tự chọn đăng ký kết cấu phân lớp là những Option được thêm vào trong quá trình đăng ký kết cấu phân lớp. Cụ thể như sau:

2.1. Các Options chọn hoặc không chọn

Tự động xóa

Tính năng này được sử dụng khi cần xóa các thông tin đã chọn. Các thông tin có thể xóa bao gồm: Đường bao trái và đường bao phải, đỉnh lớp (nếu chọn thủ công)…

In kết quả

In kết quả phân lớp khi đăng ký kết cấu. Với lựa chọn này khi đăng ký xong kết cấu ta sẽ thấy ngay kết quả trên bản vẽ. Nếu không chọn lựa chọn này hãy chắc chắn bạn đã lựa chọn các thông số cho đăng ký kết cấu chính xác và yên tâm là kết cấu đã được đăng ký trên bản vẽ.

Gộp chung chiều dày

Thông thường, đối với đường làm mới ta lựa chọn chức năng gộp chung chiều dày và đường nâng cấp mở rộng (khi mà 2 phía mặt cắt không có điểm chung) thì bỏ không chọn chức năng trên. (Đường màu tím là đường chia lớp.)

  • Hình số 1 không sử dụng chức năng gộp chung chiều dày. Chiều dày lớp cuối được tối ưu trong khoảng chiều dày tối đa và tối thiểu cho phép (sẽ được trình bày ở mục sau – dmin, dmax) nhưng là tối ưu từng phía (bên trái và bên phải riêng). Điều này sẽ dẫn đến việc, với đường làm mới nếu chiều dày đắp lớp cuối (một phía nào đó, trái hoặc phải) mỏng hơn chiều dày đắp thông thường sẽ được tối ưu thành một lớp đắp nằm trong khoảng chiều dày cho phép (hình vẽ). Điều này sẽ làm mất liên tục tại điểm tim đường (hình vẽ).
  • Hình số 2 sử dụng chức năng gộp chung chiều dày. Để giải quyết vấn đề trên ta lựa chọn gộp chung chiều dày, giữ lại lớp mỏng (hình vẽ).
Hình minh họa chức năng gộp chung chiều dày

In đỉnh đắp

Lựa chọn này dùng để in đỉnh khối đắp ra bản vẽ Autocad. Với các lưu ý về đỉnh đắp như sau:

  • Đỉnh đắp là điểm bắt đầu phân lớp, thông thường phần mềm sẽ tính toán đỉnh đắp là điểm cao nhất của khối đắp theo độ dốc của nó (độ dốc khối đắp).
  • Nếu không phải do phần mềm tính toán Đỉnh đắp có thể nằm bất kỳ điểm nào trong không gian bản vẽ.
  • Đỉnh đắp của bên trái và bên phải mặt cắt là độc lập.
  • Có thể sửa đỉnh đắp để thay đổi số bắt đầu đánh số phân lớp, độ dầy mỏng của các lớp (thường là lớp đầu).

Phân từ dưới lên

Chức năng này áp dụng khi người dùng muốn chia lớp đắp một cách vật lý từ dưới lên (mặc định là từ trên xuống). Phân biệt với khái niệm đánh số từ dưới lên là việc ta đánh số với số thấp hơn ở phía đáy khối đắp và tăng dần lên phía trên. Chức năng “Phân từ dưới lên” sẽ được chúng tôi trình bày kỹ hơn trong mục “Sửa (nhiều)” khi kết hợp giải thích tính năng này và tính năng phân lớp với chiều dày thay đổi.

2.2. Các Options chọn 1 trong 2

Tách rời đỉnh – Chung đỉnh

  • “Tách rời đỉnh” – Giữ nguyên đỉnh đắp bên trái và bên phải như tính toán (hoặc nhập vào), trong trường hợp đặc biệt đỉnh trái và phải vẫn có thể trùng nhau.
  • “Chung đỉnh” – Trái ngược với chức năng tách đỉnh, hai đỉnh trái và phải bắt buộc phải trùng nhau. Nếu là nhập vào thì chúng là 1 điểm trên tim. Nếu được tính toán dựa vào khối đắp và độ dốc thì điểm cao hơn sẽ là điểm được chọn.

Tự động – Thủ công

  • “Tự động” – Đỉnh sẽ tự động tính toán và thêm vào dựa vào độ dốc và đường bao khối đắp.
  • “Thủ công” – Đỉnh lớp đắp được chọn thủ công bằng cách chọn điểm trên bản vẽ Autocad.

Các trường hợp sử dụng

  • Nếu ta chọn “Tách rời đỉnh” và “Thủ công”. Thì 2 nút bấm chọn đỉnh (phía tay phải) mở ra cho ta chọn đỉnh trên bản vẽ. Nếu chọn “Chung đỉnh” và “Thủ công” thì chỉ nút bấm bên tay phải mở ra (vì 2 đỉnh chung làm 1). Nếu chọn tự động thì 2 nút này đều ẩn đi để phần mềm tự chọn đỉnh bằng tính toán.
  • Khuyến cáo: Nếu không có yêu cầu đặc biệt nào nên để phần mềm tự chọn đỉnh (chức năng “Tự động”). Chức năng “Chung đỉnh” áp dụng cho đường làm mới có đường đắp chạy vào tim, và chức năng “Tách đỉnh” áp dụng cho đường nâng cấp mở rộng áp dụng cho trường hợp còn lại.

3. Chọn thông số riêng phân lớp – Hướng dẫn phân lớp đất đắp, đo cao độ, khoảng cách trắc ngang

3.1. Chọn độ dốc

Độ dốc là tỷ lệ phần trăm độ nghiêng của lớp đắp so với mặt phẳng nằm ngang. Khái niệm của nó tương đương với khái niệm độ dốc mặt đường. Với quy ước: Nếu dốc ra ngoài tim đường mang dấu dương và ngược lại, quy tắc này áp dụng cho cả phía bên trái và bên phải. Trên phần mềm ta có thể nhập vào 2 ô nhập liệu “Độ dốc trái” và “Độ dốc phải” hoặc thêm bằng cách ấn nút “Chọn” và chọn 2 điểm trên bản vẽ Autocad (lần lượt từ tim ra)

3.2. Chọn đỉnh

Như đã trình bày ở phần trước chức năng này chỉ mở ra khi ta chọn cách chọn đỉnh bằng “Thủ công”. Bấm vào nút 3 chấm (…) để chọn đỉnh cho bên trái và bên phải khối đắp trong trường hợp ở “Tự chọn đăng ký phân lớp” ta chọn là “Tách rời đỉnh”; trường hợp còn lại (lựa chọn “Chung đỉnh”) chỉ nút bấm ở phía đỉnh trái của mặt cắt được mở ra.

3.3. Chọn chiều dày

Khái niệm

Chiều dày là chiều sâu phân lớp đất đắp (m) được sử dụng để phân lớp, chiều dày này phân biệt cho bên trái và bên phải. Cấu trúc tổng quát của chiều dày phân lớp như sau: a@a1,b@b1,c@c1…n@n1. Trong đó:

  • a, b, c là số lớp cùng chiều dày (1, 2, 3…).
  • a1, b1, c1 là chiều dày tương ứng. (0.12, 0.2, …)

Các quy ước

  • Quy ước 1: Nếu a, b, c bằng 1 có thể bỏ qua (nếu bỏ qua số 1 thì bỏ luôn cả ký tự @ đi kèm với nó).
  • Quy ước 2: Nếu hết lớp n@n1 mà chưa phân lớp hết thì phần mềm sẽ tiếp tục phân lớp với chiều dày n1 đến hết khối đắp.
  • Quy ước 3: Nếu muốn chung chiều dày cho cả phía trái và phải ấn vào nút “chung” bên cạnh ô nhập chiều dày phải.
  • Quy ước 4: Mặc định cách phân bổ chiều dày từ trên đỉnh khối đắp xuống. Nếu muốn phân bổ ngược lại (từ dưới đáy khối đắp tính lên) hãy tích vào nút “phân từ dưới lên” trong nhóm chức năng “tự chọn đăng ký phân lớp”
  • Quy ước 5: Không được sử dụng dấu cách (space) trong ô nhập chiều dày.

Các ví dụ nhập chiều dày

  • Ví dụ 1: Trong ô chiều dày nhập 0.2, toàn bộ lớp đắp trong khối sẽ được đắp 0.2 m (trừ các lớp cuối)
  • Ví dụ 2: Trong ô chiều dày nhập 1@0.12,1@0.17,1@0.18,3@0.25,10@0.3. Ta có thể viết gọn lại như sau (áp dụng quy ước 1 và quy ước 2): 0.12,0.17,0.18,3@0.25,0.3 (vì số 1 có thể bỏ qua cùng với ký tự @ đi kèm với nó, số 10 ứng với chiều dày 0.3 có thể bỏ qua – áp dụng quy ước 2). Với chiều dày đắp này ta có: Lớp 1 đắp 0.12m, lớp 2 đắp 0.17m, lớp 3 đắp 0.18m, lớp 4 đến 6 đắp 0.25m và các lớp còn lại (từ lớp 7) đắp 0.3m.

3.4. Chọn chiều dày khống chế cho lớp cuối

Các khái niệm

  • Các lớp đắp ở giữa khối đắp (giả sử ta đắp từ lớp 1 đến lớp n, thì các lớp được đề cập ở đây là lớp 2 đến lớp n-1) luôn theo chiều dày được ta phân bổ trong ô nhập chiều dày ở trên. Vậy còn lớp n thì sao? Lớp thứ n có chiều dày nhỏ hơn hoặc bằng (≤) chiều dày mà ta dự kiến phân bổ cho lớp cuối cùng (ví dụ đắp 0.25m thì chiều dày lớp này ≤0.25m). Ta ký hiệu chiều dày nhỏ nhất và lớn nhất cho phép trong tiêu chuẩn là dmin, dmax
  • Nếu lớp đắp nằm trong khoảng dmin, dmax -> OK
  • Nếu lớp đắp mỏng hơn giá trị cho phép ≤ dmin. Ta sẽ kết hợp với lớp trước nó (lớp n-1). Ký hiệu (n-1)’ là lớp mới kết hợp từ lớp n và lớp n-1 thì d(n-1)’ = d(n) + d(n-1).

Các trường hợp của d(n-1)’

  • Nếu d(n-1)’ nằm trong khoảng quy định (dmin ≤ d(n-1)’ ≤ dmax) -> OK. Lúc này cả khối đắp sẽ chỉ có n-1 lớp
  • Nếu d(n-1)’ ≥ dmax ta sẽ chia đôi lớp này để 2 lớp nằm trong khoảng quy định. Lúc này cả khối đắp sẽ có n lớp.

Các ví dụ tính toán của d(n-1)’

Ví dụ minh họa 1: dmax = 0.3, dmin = 0.1, d(n-1) = 0.25, d(n)  = 0.01

  • Bước 1: Tính d(n-1)’ = 0.25 + 0.01 = 0.26. Kiểm tra 0.1 ≤ 26 ≤ 0.3 -> OK. Kết luận khối đắp có n-1 lớp, lớp cuối d(n-1)’ = 0.26

Ví dụ minh họa 2: dmax = 0.3, dmin = 0.1, d(n-1) = 0.25, d(n)  = 0.10

  • Bước 1: Tính d(n-1)’ = 0.25 + 0.10 = 0.35. Kiểm tra 0.35 ≥ 0.3 -> Not OK. Chuyển sang bước 2
  • Bước 2: Chia đôi lớp mới thành 2 lớp 0.35/2 = 0.175. Kết luận khối đắp có n lớp, 2 lớp cuối d(n) = 0.175, d(n-1) = 0.175.
  • Giải thích thì dài dòng vậy thôi chứ ta chỉ phải nhập vào dmin, dmax trong phần mềm. Phần mềm sẽ giúp ta thực hiện phần tính toán còn lại.

3.5. Chèn điểm

Chèn điểm là trường hợp người dùng muốn chèn thêm 1 điểm cố định vào đỉnh lớp đắp, chèn điểm áp dụng cho 1 hoặc cả 2 phía mặt cắt. Lưu ý, có thể chèn không giới hạn số lượng điểm vào đỉnh lớp, các điểm cách nhau bằng dấu phẩy.

3.6. Số thứ tự lớp

Là số thứ tự lớp bắt đầu phân lớp. Mặc định là 1, trong một số trường hợp đặc biệt số này có thể khác 1.

4. Chọn đường bao phân lớp – Hướng dẫn phân lớp đất đắp, đo cao độ, khoảng cách trắc ngang

Đường bao phân lớp là đường bao được vẽ bằng đường Pline kín chạy xung quanh khối đắp. Đường bao phân lớp phải được tách riêng cho bên trái và bên phải.  Nếu may mắn ta có thể có đường bao sẵn trong bản vẽ. Nếu không ta có thể dùng lệnh Bo (Boundary), dùng lệnh Pl (Pline), hoặc tạo nhanh bằng phần mềm sẽ được đề cập ở phần sau.

Nếu đường bao đã có ấn vào nút “Chọn bao trái” và “Chọn bao phải” và chọn đường bao khối đắp tương ứng trên bản vẽ. Lưu ý:

  • Phải chọn đúng đường bao. Nếu chọn sai thì đương nhiên kết quả tính toán cũng sai
  • Như đã nói ở phần đầu hướng dẫn này có những đối tượng không thể dùng làm đường bao được (Region, Xref, Block, Proxy…) những đối tượng được chấp nhận là Polyline (LWPolyline, 2D Polyline, 3D Polyline…)
  • Nếu tại MCN cần đăng ký mà khối lượng đắp bằng không (0) như các MCN đào hoàn toàn, MCN đầu tuyến đường… không cần phải chọn đường bao phân lớp, phần mềm sẽ hiểu khối lượng các phân lớp bằng không (0) và tất nhiên là không có cao độ, khoảng cách đỉnh lớp đắp.

5. Đăng ký kết cấu phân lớp – Hướng dẫn phân lớp đất đắp, đo cao độ, khoảng cách trắc ngang

Sau khi đã chọn đủ các dữ liệu từ 1. đến 3. cũng trong Tab Đăng ký ta bấm nút Đăng ký, phần mềm sẽ tự động đăng ký kết cấu phân lớp trên bản vẽ.

6. Sửa đăng ký kết cấu phân lớp – Hướng dẫn phân lớp đất đắp, đo cao độ, khoảng cách trắc ngang

Bên cạnh việc đăng ký kết cấu phân lớp thì việc chỉnh sửa kết cấu cũng là một nhu cầu  hết sức cần thiết. Để sửa đăng ký kết cấu phân lớp ta vào mục Sửa (nhiều) trên Tab đăng ký

Sửa đăng ký kết cấu phân lớp

6.1. Sửa đăng ký đơn phân lớp:

Chức năng này ít được sử dụng do chức năng ghi đè đăng ký kết cấu.

6.2. Sửa nhiều đăng ký phân lớp

Không giống như chỉnh sửa mặt cắt ngang đơn, chỉnh sửa hàng loạt mặt cắt ngang phân lớp áp dụng với 1 hoặc nhiều mặt cắt ngang trên bản vẽ. Ta phải chọn đoạn tuyến và kết cấu cần chỉnh sửa như hình vẽ minh họa trên. Lưu ý chức năng này chỉ áp dụng với đoạn tuyến và loại kết cấu mà ta chọn. Các đoạn lý trình và kết cấu khác không được chọn không bị ảnh hưởng.

Ngoài mục đích chỉnh sửa nhanh đoạn tuyến, chức năng này còn giúp ta thực hiện các công việc liên quan đến bản chất của tuyến như đánh số lại số thứ tự lớp đắp mà ta sẽ tìm hiểu sau đây.

Đánh số phân lớp.

Đánh số cho các lớp đắp là việc gắn nhãn cho lớp đắp đó trong mặt cắt ngang phân lớp. Khái niệm này khi sử dụng phần mềm phân lớp rất hay bị nhầm lẫn với khái niệm phân lớp từ dưới lên. Hãy nhớ, phân lớp từ dưới lên là chiều dày chia lớp phân bố từ dưới đáy khối đắp lên còn đánh số là gắn nhãn tên cho lớp đắp, nó không thay đổi chiều dày lớp đắp ở mặt cắt ngang đó. Có 2 trường phái đánh số:

  • Đánh số với lớp thấp hơn ở trên. Lớp bắt đầu phân lớp (thông thường là lớp 1) sẽ ở trên cùng khối đắp, các lớp sau tăng dần xuống dưới.
  • Đánh số với lớp thấp hơn ở dưới. Lớp bắt đầu ở dưới cùng (nhưng nằm trong mặt cắt ngang sâu nhất là số thấp nhất), các lớp sau tăng dần lên trên.

5 cách đánh số phân lớp của phần mềm

  • Đánh số trên xuống, cùng lớp trên, số thấp nhất…
  • Đánh số trên xuống, cùng lớp dưới, số thấp nhất…
  • Đánh số dưới lên, cùng lớp trên, số thấp nhất…
  • Đánh số dưới lên, cùng lớp dưới, số thấp nhất…
  • Đánh số với số lớp định trước…

Ta có thể chọn cách đánh số cho dự án (thậm chí là hạng mục) của mình. Trong 5 cách đánh số trên (hình minh họa) thì cách đánh số số 1 và số 3 là 2 cách phổ biến nhất, các cách còn lại chỉ áp dụng trong các trường hợp đặc biệt.

Thực tế có khoảng trên 90% dự án theo trường phái thứ nhất (nên đã được mặc định sử dụng trong phần mềm). Theo quan điểm (và tham khảo) của nhóm tác giả nó cũng hợp lý hơn so với cách còn lại. Cụ thể:

  • Khi ai đó báo cáo tiến độ thi công họ nói: “ Nền đường đã thi công đến lớp 4” vậy chỉ còn 4 lớp nữa là hoàn thiện, nếu họ nói đang thi công đến lớp 101 chắc chỉ có họ hiểu.
  • Việc tìm ra lớp nào bắt đầu phân lớp từ trên xuống cũng có độ khó tương đương với việc tìm ra lớp kết thúc phân lớp khi phân từ dưới lên.
  • Vì ta thi công theo cả tuyến, mỗi mặt cắt đắp nông sâu khác nhau. Nếu đoạn đắp nào đó bắt đầu từ lớp số 1 thì lớp đắp số 1 cũng không thể bắt đầu với tất cả các mặt cắt ngang (chỉ trong trường hợp đặc biệt khi chiều sâu đắp cố định cho tất cả các mặt cắt).

Các chức năng khác

  • Sửa chiều dày. Chức năng này đặc biệt hữu ích khi dự án có sự thay đổi cách phân lớp. Ví dụ: Trước đây dự án phân lớp với chiều dày 0.2m sau đó thống nhất phân lớp 0.25m chung cho cả dự án.
  • Sửa độ dốc. Cũng chung lý do với cách sửa chiều dày. Lưu ý sửa độ dốc chỉ áp dụng cho một số trường hợp độ dốc không thay đổi quá nhiều và chiều rộng mặt cắt ngang tương đối nhỏ.
  • Sửa điểm chèn. Chèn thêm hoặc xóa bớt điểm chèn trên đỉnh lớp.
  • Phân lớp từ dưới lên. Thay đổi cách phân bổ chiều dày phân lớp, nếu bỏ qua thì mặc định là phân bổ từ trên xuống
  • Gộp chung chiều dày. Xem trong phần đăng ký mặt cắt ngang.

Lưu ý chung:

  • Để thay đổi mỗi chức năng ấn tích vào chức năng đó trên cửa sổ.
  • Một số chức năng phải đi kèm với chức năng khác. Ví dụ: Chức năng phân lớp từ dưới lên và gộp chung chiều dày đi kèm với chức năng thay đổi chiều dày.

Chấp nhận và kết thúc chỉnh sửa.

Sau khi chọn xong những thay đổi với những mặt cắt ngang đã chọn. Ấn “Chấp nhận”, phần mềm sẽ hỏi ta có in thay đổi không. Nếu có hãy đợi phần mềm tính toán và in lại các đối tượng trên bản vẽ. Trường hợp ngược lại phần mềm sẽ xóa các đối tượng cũ và không in lại các đối tượng mới.

7. Xóa đăng ký phân lớp – Hướng dẫn phân lớp đất đắp, đo cao độ, khoảng cách trắc ngang

Chức năng này dùng để xóa các đăng ký kết cấu đã có trên bản vẽ. Trong Tab “Đăng ký” chọn nút xóa.

Xóa đăng ký phân lớp
  • Xóa một cọc – Chọn chức năng này khi muốn xóa một đăng ký kết cấu. Cách chọn giống như chức năng sửa đăng ký kết cấu ở trên
  • Xóa nhiều cọc. Chức năng này sẽ xóa nhiều đăng ký ứng với kết cấu đã chọn trên bản vẽ, ta phải chọn đoạn lý trình và kết cấu cần xóa như chức năng chỉnh sửa mặt cắt ở trên. Cuối cùng là bấm chấp nhận để thực hiện xóa các mặt cắt ngang đã chọn
Chia sẻ
ĐỂ LẠI CÂU HỎI CỦA BẠN

Dùng thử miễn phí. Nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn!

Hãy Nhập thông tin để nhận.
Vui lòng kiểm tra email và số điện thoại sau khi xác nhận
close-link
Đăng ký dùng thử và nhận nhiều ưu đãi hấp dẫn!
ĐĂNG KÝ